Đà Lạt và những danh thắng nổi tiếng
Thành phố Đà Lạt:
nằm trên cao nguyên Lâm Viên, là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, khoa học, kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; là thành phố du lịch, nghỉ dưỡng của cả nước. Thành phố có 12 phường, 3 xã, diện tích 391,04 km2, dân số 188.467 người (năm 2004).
Ngày 21-6-1893, Đà Lạt được một bác sĩ người Pháp (gốc Thụy Sĩ) Alexandre Emile Yersin, một nhà khoa học thuần tuý, lần đầu tiên đặt chân lên cao nguyên Lang Biang, đã phát hiện ra vùng đất huyền diệu này.
Trong vòng 30 năm (1893-1923), kể từ ngày bác sĩ Yersin khám phá ra cao nguyên Lang Biang và đề nghị xây dựng Đà Lạt thành một trung tâm nghỉ dưỡng, Đà Lạt đã có nhiều thay đổi: Từ một vùng đất hoang sơ, nơi cư trú của một vài dân tộc thiểu số, trở thành một thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng có tên trên Bản đồ Du lịch Thế giới.
Nhiều người trong và ngoài nước khi đến Đà Lạt, cảm nhận về Đà Lạt, đã gọi nơi đây là thành phố của ngàn thông, thành phố ngàn hoa, thành phố biệt thự, xứ sở của sương mù, xứ hoa anh đào...
Thời tiết ở Đà Lạt có 4 mùa trong một ngày: Buổi sáng sớm là thời tiết của mùa Xuân, buổi trưa là mùa Hạ, buổi chiều là mùa Thu, và đêm là mùa Đông. Một năm có 2 mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 4, Đà Lạt quanh năm có nắng. Nhiệt độ trung bình từ 17-19 độ C.
Ở độ cao trung bình 1.500m so với mặt biển, Đà Lạt được giới hạn bởi ngọn Langbian cao 2.163m ở phía Bắc, dãy núi Voi cao 1.754m bao quanh phía Tây và phía Nam, ngọn Lap-Bé Nord cao 1.732m phía Đông Bắc và ngọn Dan-se-na cao 1.600m ở phía Đông.
Bên trong là những quả đồi đỉnh tròn thấp dần, sườn thoai thoải. Xen giữa chúng là những thung lũng, phần lớn là khu dân cư và trồng trọt. Hồ Xuân Hương nằm giữa, ở độ cao 1.475m, được coi là trung tâm của thành phố. Đà Lạt có dạng lòng chảo hình bầu dục.
Do đặc điểm cấu tạo địa chất, địa hình, thủy văn, với hệ động thực vật phong phú, đa dạng đã tạo nên một Đà Lạt với những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, vẫn giữ được vẻ nguyên sơ kết hợp với kiến trúc cảnh quan được bàn tay con người tạo dựng đạt tới trình độ nghệ thuật hài hòa, có độ thẩm mỹ cao.
Về những danh thắng ở Đà Lạt:
Hồ Xuân Hương
Hồ Xuân Hương, nằm ở trung tâm thành phố Đà Lạt, được xây dựng năm 1919. Hồ có hình mảnh trăng lưỡi liềm, diện tích mặt nước 25 ha, chu vi 5,1km. Đây là địa điểm thơ mộng, cuốn hút khách du lịch và cũng là nơi hò hẹn của những đôi bạn tâm tình. Xung quanh hồ có nhiều kiến trúc độc đáo có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao.
Hồ Đankia-Suối Vàng
Nằm cách trung tâm thành phố hơn 20 km, đây là hệ thống hồ nước ngọt lớn nhất tại Đà Lạt, cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố qua đập tràn của Công ty Cấp Nước Đà Lạt. Với tổng diện tích 300 ha, trải dài dưới chân dãy núi Lang Bian hùng vĩ, soi bóng những rừng thông xanh tốt bên bờ, thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng.
Hồ Than thở
Cách trung tâm thành phố Đà Lạt 6 km về phía Đông, hồ Than Thở nằm trên khu đồi cao, mặt hồ thường phẳng lặng. Hồ nằm giữa những rừng thông tĩnh mịch khiến lữ khách đến đây thường nhớ lại những câu chuyện buồn. Tại đây dường như quanh năm chỉ có âm thanh của gió mượn thông reo vi vu như thở than, nức nở.
Hồ Tuyền Lâm
Hồ Tuyền Lâm, rộng 320 ha, nằm cách trung tâm thành phố 5 km. Ven hồ có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như Thiền viện Trúc Lâm, khu săn bắn của bản làng dân tộc.
Thung lũng Tình Yêu
Cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 5 km về phía Bắc, diện tích khoảng 240 ha, Thung lũng Tình yêu chìm sâu bên sườn đồi với những rừng thông quanh năm xanh biếc. Dưới thời vua Bảo Đại, vùng này được gọi là thung lũng Hòa Bình. Sau đó đổi thành thung lũng Tình Yêu. Năm 1972, người ta cho đắp một con đập lớn chặn ngang thung lũng tạo thành một hồ nước rộng 13 ha có tên là Hồ Đa Thiện. Hồ Đa Thiện đã làm cho thung lũng thêm thơ mộng, quyến rũ đối với du khách và nhất là những lứa đôi đến từ mọi miền đất nước.
Thác Prenn
Cách Đà Lạt 10km, cao 27m, rộng 15-25m. Thác nước êm dịu và duyên dáng như một màn nước đổ nhè nhẹ từ độ cao 10m xuống một hồ nước nhỏ, xung quanh đầy hoa lá và đồi thông
Thác Đatania
Thác Đatania cao 32m, cách thành phố Đà Lạt 5km ngay bên đường Quốc lộ 12. Từ ghềnh cao 20m thác Đatania đổ xuống len lỏi qua nhiều tầng nấc trong các khe đá rồi cuốn hút nhanh vào rừng sâu. Tương truyền xưa kia các tiên nữ trên trời xuống đây tắm, nên chỗ dòng suối bằng phẳng, được gọi là Suối Tiên.
Sưu tầm