Trang

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Phát hiện ếch bay ở Việt Nam


Ếch bay Helen, cá có cơ quan sinh sản ở đầu, loài dơi có hình thù kỳ dị nằm trong số 99 loài mới của Việt Nam được giới khoa học phát hiện tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.


Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) vừa công bố 367 loài động thực vật mới tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, trong đó có 99 loài được phát hiện ở Việt Nam.


Loài ếch Helen. Ảnh do WWF cung cấp.

Trong số các loài được phát hiện ở Việt Nam đáng chú ý là loài ếch bay Helen (Rhacophorus helenae) được phát hiện cách TP HCM gần 100 km. Loài ếch xanh lớn này tránh sự chú ý của giới sinh vật học đến tận bây giờ nhờ việc lướt giữa các ngọn cây bằng các chi lớn và có màng; và chúng chỉ nhảy xuống để sinh sản trong các hồ nước mưa. "Việc loài ếch bay Helen được phát hiện trong vạt rừng nằm lọt giữa các khu đất nông nghiệp cho thấy sự cấp thiết của việc bảo tồn các khu rừng miền đất thấp", theo báo cáo WWF.

Theo tiến sĩ Thomas Gray, Quản lý chương trình Loài của WWF-Greater Mekong, rừng nhiệt đới ở vùng đất thấp nằm trong số những vùng sinh thái bị đe dọa nghiêm trọng nhất, bởi các hoạt động của con người như khai thác gỗ hoặc các hoạt động làm môi trường bị xuống cấp. "Mặc dù loài ếch cây Helen chỉ vừa mới được phát hiện, thì loài này, cũng như nhiều loài khác, đã và đang bị đe dọa bởi môi trường sống ngày càng bị thu hẹp", tiến sĩ Thomas Gray cảnh báo.



Loài dơi Grifin mũi lá. Ảnh do WWF cung cấp.


Một loài dơi có hình thù kỳ dị lần đầu tiên được trông thấy tại đảo Cát Bà năm 2008. Tuy nhiên, phải một thời gian sau, khi một nhóm các nhà nghiên cứu bắt được thêm một số cá thể, thì chúng mới được xác định là một loài hoàn toàn mới. Loài dơi Grifin mũi lá (Hipposideros griffin) được nhận diện bởi chiếc mũi thịt kỳ cục có chức năng trợ giúp chúng trong việc định vị qua tiếng vang, tương tự như khả năng sử dụng sóng siêu âm để giúp chúng di chuyển.

Cũng tại Việt Nam, các nhà khoa học phát hiện một loài cá tí hon và gần như trong suốt, với một cơ chế giải phẫu rất phức tạp. Phallostethus cuulong có cơ quan sinh sản nằm ngay dưới miệng. Chúng giao phối với nhau bằng đầu, với cơ quan sinh sản của con đực móc vào cơ quan sinh sản của con cái.



Loài cá Phallostethus cuulong. Ảnh do WWF cung cấp.


367 loài mới được WWF nêu trong báo cáo có tên Mekong kỳ bí, gồm 290 loài thực vật, 24 loài cá, 21 loài lưỡng cư, 28 loài bò sát, một loài chim và ba loài động vật có vú. "Những loài mới đã khẳng định Tiểu vùng sông Mekong mở rộng là một trong những khu vực trù phú và có độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới", tiến sĩ Thomas Gray nói.

"Nếu chúng ta muốn bảo vệ các loài sinh vật mới này khỏi bị tuyệt chủng và nuôi hy vọng tìm thêm các loài độc đáo khác trong tương lai, thì điều quan trọng cần phải làm ngay lúc này là các quốc gia cần đầu tư vào chiến lược bảo tồn và phát triển xanh", tiến sĩ Thomas Gray nói thêm.

Từ năm 1997 đã có 2.077 loài mới được các nhà khoa học phát hiện tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và tây nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Hương Thu

http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/moi-truong/phat-hien-ech-bay-o-viet-nam-3001287.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...